Tổng Giám đốc khẳng định việc đạt được chỉ tiêu nợ xấu và thu hồi nợ đã XLRR là mục tiêu pháp lệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tài chính của Agribank, đồng thời là nền tảng để thực hiện thành công phương án tái cấu trúc và xử lý nợ xấu đến năm 2025. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ về xử lý nợ xấu, nợ đã XLRR trong những tháng cuối năm 2024, Ban chỉ đạo xử lý nợ TSC triển khai đồng bộ một số nội dung trọng tâm trong Quý IV năm 2024 như sau:
Thứ nhất, từng chi nhánh, đơn vị, mỗi cá nhân phát huy tối đa nội lực tại chỗ, thực hiện đúng quy định, quy trình, linh hoạt trong việc triển khai biện pháp xử lý; phát huy sức mạnh tập thể, thế mạnh cá nhân, tinh thần trách nghiệm với đơn vị nói riêng và toàn hệ thống Agribank nói chung trong công tác xử lý, thu hồi nợ. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Giám đốc, các Thành viên Ban điều hành được phân công phụ trách theo Quyết định số 433/QĐ-NHNo-TCNS trong công tác xử lý nợ.
Thứ hai, tiếp tục xem xét, đánh giá và xử lý trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm của Người đứng đầu đối với các đơn vị/Ban chỉ đạo xử lý nợ tại chi nhánh hoạt động chưa hiệu quả, không quyết liệt, nợ xấu tăng cao, kết quả thu hồi thấp; Tập trung xem xét, đánh giá nỗ lực, kết quả xử lý thu hồi, kiểm soát nợ xấu phát sinh tại các chi nhánh đã thay đổi Người đứng đầu.
Ban chỉ đạo các chi nhánh nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung tối đa nguồn lực, giao nhiệm vụ, tiến độ thực hiện cụ thể đối với từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong những tháng cuối năm 2024 để hoàn thành kế hoạch đã giao.
Các Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Bộ phận giúp việc định kỳ giám sát, nắm bắt thực trạng, tiến độ xử lý nợ của các chi nhánh được phân công; làm việc trực tiếp với các chi nhánh không đảm bảo tiến độ; báo cáo, đề xuất xử lý trách nhiệm các chi nhánh không nỗ lực, không có chuyển biến, thiếu trách nhiệm, tiếp tục để nợ xấu phát sinh cao.
Thứ ba, rà soát khoản nợ phải tập trung chỉ đạo xử lý, thu hồi trong các tháng cuối năm 2024 báo cáo Thành viên Ban điều hành theo quyết định 433/Thành viên Ban chỉ đạo TSC.
Thứ tư, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện xử lý nợ có vấn đề như nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính, thi đua đối với các chi nhánh có sự điều chỉnh về màng lưới, sát nhập do chất lượng tín dụng, thực hiện xử lý nợ; nghiên cứu cơ chế thuê đơn vị hỗ trợ tư vấn pháp lý hồ sơ xử lý nợ tại các chi nhánh ngay từ giai đoạn đầu; bổ sung nhân lực làm công tác pháp chế cho chi nhánh đầu mối xử lý nợ; tiếp tục rà soát, đề xuất Hội đồng thành viên xem xét thành lập bổ sung chi nhánh đầu mối xử lý nợ tại Hà Nội, Hồ Chí Minh; rà soát, tạm ứng thưởng kết quả thu hồi nợ đã XLRR đến ngày 30/9/2024 cho các chi nhánh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về việc nắm giữ tài sản, nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ trong quá trình xử lý nợ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.