Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã “chỉ mặt đặt tên” những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ, trong đó “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. “Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân. Mà nguy hiểm hơn: tham ô, lãng phí, quan liêu là thứ… làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, Đảng viên…”.

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức trong sáng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Theo Người, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; Tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán. Xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định”.

Những quan điểm, tư tưởng của Người đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời tiếp tục được vận dụng và làm sáng rõ trong các quan điểm chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và quy định của pháp luật.

Theo đó, tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.

Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta trong thực hiện nhiệm vụ cấp bách đưa nước ta vào kỷ nguyên vươn mình; đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương vừa diễn ra ngày 30/10/2024 về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: “Đất nước trong kỷ nguyên mới, Đất nước với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, quyết liệt trong việc phòng, chống tham nhũng và lãng phí”.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong những năm vừa qua luôn nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị trong toàn hệ thống.

Đến nay, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Agribank đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu đã nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần nâng cao năng lực tài chính, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tình trạng lãng phí vẫn tồn tại ở một số bộ phận, việc sử dụng, quản lý tài sản chưa hiệu quả, kết quả thực hiện kế hoạch vốn thấp và chưa đạt được mục tiêu đề ra, công tác quyết toán đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng còn chậm, công tác thu hồi vốn chậm do yếu tố chủ quan.

Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, tài sản để đảm bảo cơ sở pháp lý trong quản lý điều hành và làm cơ sở triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác còn hạn chế; tình trạng trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm, chậm tiến độ ở một số bộ phận, cá nhân dẫn đến mất cơ hội kinh doanh, mất khách hàng/thị phần còn phổ biến.

Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực do thiếu cơ chế khoán, cơ chế khuyến khích và các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ (tiền lương, tiền thưởng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm...) còn tồn tại ở nhiều đơn vị.

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chậm.

Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong cơ quan, đơn vị, công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức.

“Trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và yêu cầu khẩn trương, cấp bách của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Chống lãng phí”; nhằm đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu cần tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để; cụ thể hóa qua các giải pháp, chỉ tiêu, kế hoạch, lộ trình triển khai, phân công trách nhiệm triển khai/kiểm tra/giám sát của từng đơn vị/bộ phận liên quan.

Xây dựng, triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng bộ và hệ thống. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ban hành quy định, nội quy của Agribank nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Agribank về phòng, chống lãng phí giai đoạn 2026-2030.

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của Agribank liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý mạnh, xử lý nghiêm, có tính răn đe cao đối với các hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của các tổ chức đoàn thể và người lao động.

Đặc biệt chú trọng các nội dung:

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản định chế. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng cơ chế, chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Hoàn thiện các quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án phù hợp với năng lực và thực tiễn, thuận lợi trong tác nghiệp giữa các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và Agribank. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ… không còn phù hợp với thực tiễn. Hoàn thiện các quy định, chế tài xử lý hành vi lãng phí, các đơn vị không hoàn thành kế hoạch vốn.

Tối ưu hóa quy trình làm việc, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai, ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, toàn diện trong công tác quản trị điều hành tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí; cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng; đẩy nhanh phương án tích hợp giải pháp chuyển đổi số tại quầy giao dịch gắn với chuyển đổi số quy trình cho vay nhằm tối ưu hóa nguồn lực và thời gian triển khai, tiết giảm chi phí, để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Bám sát với tình hình triển khai thực tế, lượng hóa vốn sử dụng trong năm kế hoạch cho từng dự án cụ thể để xây dựng kế hoạch vốn, bố trí vốn phù hợp với tiến độ giải ngân, đảm bảo chất lượng; giải quyết triệt để tình trạng “có tiền không tiêu được” trong giải ngân vốn đầu tư. Nêu cao trách nhiệm, nỗ lực, nhanh chóng, kịp thời triển khai giải quyết dứt điểm các dự án tồn tại, thực hiện quá hạn/kéo dài, đẩy nhanh tiến độ các dự án/công trình trọng điểm, xử lý triệt để các dự án hiệu quả thấp, dự án “treo”. Đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý tài sản. Rà soát, làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ (trong đó nêu rõ nguyên nhân chủ quan); đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm; xác định rõ trách nhiệm, “dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm”; kiên quyết xử lý các đơn vị/cá nhân có liên quan.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất và công tác cổ phần hóa của Agribank.

Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung sắp xếp, cơ cấu lại màng lưới và hoạt động kinh doanh của các chi nhánh, trong đó tập trung vào các đơn vị nhiều tồn tại, quy mô nhỏ, năng suất thấp, hoạt động không hiệu quả gắn với Phương án thành phần cơ cấu lại màng lưới trên 02 địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro, tiết giảm chi phí hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phù hợp nhiệm vụ trong điều kiện mới. Đề xuất các giải pháp đảm bảo chấn chỉnh, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật, thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng lao động.

Việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm, các hoạt động đoàn thể trong cơ quan, đơn vị phải bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, tốn kém.

Tăng cường quán triệt cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Agribank nhận thức công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí có
vị trí tương đương với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
để xây dựng Đảng bộ Agribank trong sạch, vững mạnh.
Tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai hiệu quả hệ thống
tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, tài sản…
Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí
tài sản, nguồn lực

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. 

Kiên quyết thay đổi tư duy lãnh đạo; khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc dẫn đến mất cơ hội kinh doanh, mất khách hàng/thị phần, không tiếp cận hoặc không tiếp cận được khách hàng mới, khách hàng tốt, thiếu trách nhiệm trong thu hồi, quản lý, sử dụng tài sản; nể nang trong công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và nhiệm vụ được giao; phát huy tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của toàn hệ thống; tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cá nhân/đơn vị; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ” ; đề xuất cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “việc làm tự giác, tự nguyện, như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt
Quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động, lĩnh vực, biểu hiện (trực tiếp, gián tiếp) tại Agribank

Xử lý nghiêm vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai kết quả kiểm tra, giám sát và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các đơn vị trong toàn hệ thống.

Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền kiểm tra, giám sát
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người; do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trước yêu cầu khẩn trương, cấp bách của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Chống lãng phí”, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.