Đẩy mạnh chuyển đổi số
bảo đảm an ninh, an toàn thông tin 

Trong hoạt động ngân hàng năm 2025

Triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã rà soát, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. 

Thời gian qua, Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô và phạm vi, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đối mặt với những rủi ro, thách thức về an ninh, an toàn thông tin: tội phạm tấn công vào hệ thống thông tin của ngành Ngân hàng hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp diễn biến phức tạp; hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ hệ thống thông tin của một số đơn vị còn hạn chế. Phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN yêu cầu trong năm 2025 các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 20/01/2025.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, TGTT chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) ngành Ngân hàng; Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, chất lượng. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực phụ trách. 

Các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, TGTT cần chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng, trong đó đặc biệt chú trọng đến dịch vụ ngân hàng trên môi trường số. Tăng cường hoạt động hiệu quả của Mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh, an toàn thông tin mạng ngành Ngân hàng để nâng cao công tác chia sẻ thông tin và phòng ngừa, ứng cứu các sự cố an ninh, an toàn thông tin tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng. 

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, TGTT tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên môi trường số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến, mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng. Thúc đẩy hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để phát triển, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Thống đốc NHNN yêu cầu triển khai hiệu quả 07 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất

Rà soát, cập nhật và đẩy mạnh triển khai Kế hoạch/Chiến lược chuyển đổi số phù hợp với định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng đến việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới, an toàn, tiện ích, theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng. 

Thứ hai

Chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp, công nghệ số (điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo/ học máy, giao diện lập trình ứng dụng mở...) trong thiết kế, cung ứng sản phẩm dịch vụ, quản trị rủi ro (bao gồm tối thiểu các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin pháp lý và tăng cường công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin), tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ,... phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng của NHNN về chuyển đổi số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống trong các ứng dụng và sản phẩm kỹ thuật số, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, sự hài lòng và gắn bó của khách hàng.

Thứ ba

Tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công, an sinh xã hội, v.v... 

Thứ tư

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, bảo đảm 100% khách hàng cá nhân (từ ngày 01/01/2025) và người đại diện theo pháp luật của khách hàng tổ chức (từ ngày 01/07/2025) của TCTD, TGTT chỉ được thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử sau khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học trong Căn cước công dân gắn chip hoặc thông qua tài khoản định danh điện tử (VNeID) theo quy định về hoạt động thanh toán tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử không chính chủ vào các hoạt động bất hợp pháp. 

Thứ năm

Tổ chức triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử nói chung và hoạt động thanh toán trực tuyến nói riêng theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN. Trong đó ưu tiên triển khai Thông tư 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng. 

Thứ sáu

Rà soát triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các hệ thống thông tin theo quy định; áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn Việt Nam, quốc tế về an ninh, an toàn, bảo mật cho hệ thống thông tin.

Thứ bảy

Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo về vấn đề phát sinh liên quan đến mất an ninh, an toàn theo quy định của NHNN và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự quyết tâm nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 20/01/2025, công cuộc Chuyển đổi số ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ, ấn tượng trong năm 2025, đưa ngành ngân hàng giữ vững vị thế tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

AGRIBANK NEWS