Đưa ESG vào trọng tâm chiến lược
Với vị thế là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Agribank đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của ESG và tích cực đưa các tiêu chí này vào chiến lược phát triển. Ngay từ đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo ESG và Tổ giúp việc ESG Agribank đã được thành lập, thể hiện cam kết của Agribank trong việc đưa ESG vào mọi hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ban Chỉ đạo ESG Agribank chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo các chính sách tín dụng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí môi trường và xã hội.
Để hiện thực hóa cam kết này, Agribank đã ban hành Quy định 2525/QĐ-NHNo-TD và Quy định 1289/QĐ-NHNo-RRTD (31/5/2023) về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng. Các quy định này xác định rõ danh mục loại trừ và hạn chế tín dụng, loại bỏ các dự án gây ô nhiễm nghiêm trọng như khai thác than và hạn chế các ngành có rủi ro cao về môi trường hoặc xã hội như dệt may không bền vững.
Trên cơ sở đó, Agribank đã triển khai nhiều gói tín dụng xanh thiết thực, bao gồm 30.000 tỷ đồng cho các dự án xanh, 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao và 10.000 tỷ đồng cho chương trình "Tín dụng xanh" dành cho khách hàng cá nhân. Đặc biệt, chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cũng nhận được sự hỗ trợ 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tập trung vào phát triển nông thôn bền vững. Các dự án nổi bật như 1 triệu ha lúa phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), điện gió và điện mặt trời cho thấy cam kết của Agribank trong việc xanh hóa nền kinh tế.
Quyết định 21 đã mang lại những tác động tích cực đáng kể đến kế hoạch ESG của Agribank. Cơ chế pháp lý rõ ràng hơn trong Quyết định 21 giúp Agribank chuẩn hóa danh mục loại trừ/hạn chế tín dụng, đảm bảo dòng vốn được phân bổ chính xác vào các dự án bền vững như năng lượng tái tạo (chiếm 52% dư nợ xanh trong Quý 1/2025) và nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, sự minh bạch trong quy trình và tiêu chí đã thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng vào chất lượng tín dụng xanh của Agribank, giảm thiểu rủi ro tín dụng và nâng cao uy tín của ngân hàng trên thị trường tài chính xanh. Quyết định 21 cũng tạo áp lực tích cực để Agribank hoàn thiện Hệ thống quản lý rủi ro Môi trường – Xã hội (ESMS), đồng thời hỗ trợ ngân hàng gắn kết các chương trình tín dụng với các mục tiêu xã hội như Chương trình OCOP và nông nghiệp bền vững.
Tính đến hết Quý 1/2025, dư nợ tín dụng xanh của Agribank đã đạt 29.300 tỷ đồng với sự phân bổ rõ ràng:
Agribank cũng chú trọng công tác đào tạo và truyền thông ESG, tổ chức các khóa học nội bộ cho cán bộ và phổ biến thông tin đến khách hàng về lợi ích của tín dụng xanh. Các hội thảo với sự tham gia của các đơn vị uy tín đã nâng cao nhận thức về ESG, đồng thời cập nhật kiến thức về quản lý rủi ro môi trường.
Để không ngừng hoàn thiện, Agribank đã cử đoàn cán bộ thăm quan và học hỏi mô hình quản lý rủi ro ESG, cũng như kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh tại Đức và Luxembourg (từ ngày 27/5 đến 5/6/2025). Những kinh nghiệm này là tiền đề quan trọng giúp ngân hàng xây dựng các sản phẩm tài chính xanh đạt chuẩn quốc tế. Trong tháng 3/2025, Agribank đã tham dự Hội thảo và Diễn đàn khu vực về trái phiếu xanh do FAO và CBI tổ chức, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp sạch. Các sản phẩm tín dụng mới cũng được thiết kế linh hoạt để hỗ trợ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trong các dự án xanh.