Thực hiện yêu cầu của Cục Phòng, chống rửa tiền - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tại văn bản số 1589/CụcV.2 ngày 08/10/2024 về dấu hiệu liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc thông qua công tác phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ và kết quả điều tra, xử lý một số vụ án điển hình của Bộ Công an thời gian gần đây.
dấu hiệu liên quan đến
tổ chức đánh bạc và đánh bạc
Các dấu hiệu liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc
- Chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân với nhau, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản;
- Tài khoản phát sinh nhiều giao dịch có liên quan đến các trang web đánh bạc như vip, nohu, fun88, w88, m88, mua fan,...;
- Tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản qua Internet Banking/Mobile Banking/Ví điện tử với nội dung là chuỗi ký tự không rõ ràng hoặc một đoạn mã, ký tự, dãy số, nickname, ký hiệu ngân hàng + số, các ký tự liên quan đến tên các trò chơi, game bài (“nap game”, “nap xu”, “nap ID + mã số”),... và các tài khoản thường xuyên nhận tiền chuyển tiếp từ tài khoản đích của các tài khoản đã giao dịch với các nội dung như trên (Ví dụ: Có nhiều tài khoản chuyển khoản với chuỗi ký tự nghi vấn cho tài khoản A; sau đó, tài khoản A thường xuyên chuyển số tiền nhận được cho tài khoản B);
- Các tài khoản của chủ thể đăng ký có CCCD/CMND đã được xác định là tài khoản giao dịch đáng ngờ tại ngân hàng khác (các đối tượng thường mua bán nhiều tài khoản của cùng một cá nhân để hoạt động);
- Các tài khoản có thiết bị, địa chỉ IP truy cập, giao dịch trùng lặp với thiết bị, địa chỉ IP giao dịch của một số tài khoản đã được xác định là giao dịch đáng ngờ (các đối tượng thường sử dụng một hoặc một số thiết bị để đăng nhập nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau);
- Các tài khoản ngân hàng hoạt động trong khoảng 12 tháng nhưng không có giao dịch tiền mặt (nộp tiền, rút tiền tại phòng giao dịch, rút tiền tại ATM,...), không có nội dung chuyển khoản nhận biết là giao dịch cá nhân, như “mua hàng”, “thanh toán”, “tặng, chúc mừng, cho vay, trả nợ...” (các đối tượng thường sử dụng các công cụ xử lý giao dịch tự động với nội dung ngắn gọn hoặc không để nội dung cụ thể);
- Cá nhân nước ngoài thường xuyên nhận tiền từ một số cá nhân Việt Nam, sau đó rút tiền tại ATM ở nước ngoài. Các cá nhân tại Việt Nam thường xuyên nhận tiền từ nhiều cá nhân khác qua tài khoản, sau đó rút tiền tại ATM;
- Cá nhân thực hiện giao dịch qua ví điện tử, các loại thẻ viễn thông, thẻ game, cổng thanh toán điện tử,...;
- Cá nhân nhận những khoản tiền nhỏ từ nhiều cá nhân khác nhau, sau đó gom thành những khoản tiền lớn và chuyển sang tài khoản của chính mình hoặc nhiều cá nhân khác (cùng ngân hàng hoặc khác ngân hàng). Giá trị mỗi giao dịch từ vài chục nghìn đến một tỷ đồng. Tiền vào và ra nhanh khỏi tài khoản, số dư cuối ngày nhỏ;
- Giá trị, số lượng giao dịch lớn, bất thường, không phù hợp với độ tuổi, nghề nghiệp,... của chủ tài khoản (như người chưa đủ 18 tuổi, người cao tuổi, người kinh doanh tự do, lao động tự do, nội trợ, buôn bán nhỏ, công nhân, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng,... nhưng phát sinh số lượng, tổng giá trị giao dịch lớn). Các giao dịch chuyển tiền từ nhiều tài khoản khác nhau về tài khoản cá nhân, sau đó cá nhân chuyển đi những món giá trị lớn cho các cá nhân hầu hết đều mở tài khoản tại ngân hàng khác. Hoặc cá nhân nhận tiền từ các cá nhân, sau đó chia nhỏ hoặc chuyển số tiền tương đương sang tài khoản của các cá nhân khác.
- Các giao dịch chuyển khoản thường xuyên có giá trị tương đương với việc quy đổi từ giá trị của tiền ảo ra VND hoặc từ VND sang tiền ảo (Ví dụ: 1 USDT = 25.467,24 VND);