Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã khẳng định “Thượng tôn pháp luật tạo nên sức mạnh”. Sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, sức mạnh của mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực tạo nên sức mạnh tổng lực vì một đất nước, một quốc gia hùng mạnh trong “kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

Trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định về “thượng tôn pháp luật” hay “pháp quyền” chỉ mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật, theo đó tuy pháp luật do Nhà nước đặt ra song nó phải giữ vai trò thượng tôn đối với Nhà nước, các cơ quan Nhà nước và bất kỳ chủ thể nào trong hệ thống tổ chức Đảng cho dù là tổ chức Đảng hay cá nhân đảng viên, cho dù ở bất kỳ cấp nào đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, trong nhiều năm qua Agribank đã luôn nắm rõ công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và ngành Ngân hàng. Bởi lẽ đó, việc tham gia đóng góp nhiều ý kiến chuyên ngành cùng với Ngân hàng Nhà nước của Agribank đã rất hiệu quả trong tham mưu góp ý xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động Ngân hàng, điển hình là việc ban hành Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn hoạt động của các Tổ chức Tín dụng.

Ban lãnh đạo Agribank đã tập trung trí tuệ, tinh thần thống nhất cao từ cấp ủy, Ban điều hành rà soát hoàn thiện, ban hành đồng bộ các văn bản định chế chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với thực tế tại Agribank: các quy định về Tín dụng, về kiểm tra giám sát, về hệ thống thanh toán, về định chế tài chính, văn bản về phòng chống rửa tiền, về cơ cấu màng lưới gắn liền với xử lý nợ xấu…đảm bảo đồng bộ, phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tổ chức tại Trụ sở chính và các chi nhánh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động, cải cách thủ tục hành chính, triệt để chấm dứt “xin cho” trong chỉ đạo điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh mở với hàng rào bảo vệ là các văn bản quy phạm pháp luật và quy định nội bộ, có thể kể tới đó là việc xây dựng Đề án triển khai tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG) phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được xu hướng thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 tại Agribank bám sát mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN, Ban điều hành đã quyết liệt với tinh thần “không bàn lùi chỉ bàn làm”, “làm việc với tinh thần cống hiến” thực hiện phương án tái cơ cấu các chi nhánh tại 02 địa bàn Hà Nội và TP HCM, tinh gọn bộ máy hoạt động cồng kềnh kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên nhân lực và vật lực theo Quyết định 468/QĐ- HĐTV-TCTL.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 trong đó chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 tối đa 17.100 tỷ đồng. Đó là thành quả cho những nỗ lực phấn đấu phản ánh thông qua việc ban hànhNghị quyết 01 hàng năm của Hội đồng thành viên và văn bản chỉ đạo trực tiếp của Ban điều hành thể hiện sự quyết đoán kịp thời, nhạy cảm trong điều hành, chớp lấy thời cơ để ra các quyết đáp. Đó còn là thành quả từ các giải pháp tăng năng lực tài chính, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc tế và xếp hạng năm theo quy định của NHNN, đó là: xây dựng cân đối vốn phù hợp, đảm bảo thanh khoản, các tỷ lệ an toàn hoạt động (LDR); triệt để xử lý Nợ xấu và thu hồi Nợ hàng năm và dự báo kịch bản năm tiếp theo; đó là điều hành linh hoạt kế hoạch/giải pháp về huy động vốn phù hợp với diễn biến tăng trưởng tín dụng.

Có những lúc “điểm nghẽn” về cơ chế tín dụng: room tín dụng, lãi suất, cơ cấu đầu tư… đã ảnh hưởng không nhỏ đến Agribank và khách hàng. Tuy nhiên Ban lãnh đạo Agribank với sự chủ động, sáng tạo và bản lĩnh kinh doanh trên cơ sở nền tảng tư tưởng là tuân thủ quy định pháp luật đã giúp Agribank dần tháo gỡ thực tế nóng bỏng về công tác tín dụng tại những thời điểm nhất định.

Agribank với các giải pháp: hướng tín dụng vào lĩnh vực phục vụ “Tam nông” và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ từng thời kỳ, tạo điều kiện cho khách hàng hấp thụ vốn của nền kinh tế; điều chỉnh công cụ về kế hoạch, lãi suất, phí nội bộ, nghiêm túc thực hiện cơ cấu lại thời hạn giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành chung tay cùng khách hàng khắc phục thiệt hại thiên tai, lũ lụt…

Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp và tuân thủ quy định về vay vốn luôn là chủ đề nóng do những rào cản về cơ chế chính sách, tuy vậy, xác định Ngân hàng và doanh nghiệp luôn đồng hành trong tiến trình phát triển, Agribank đã nỗ lực triển khai đồng bộ có hiệu quả các chương trình ưu đãi cho phát triển sản xuất kinh doanh, dành nguồn lực cho các chính sách ưu đãi phí, lãi suất, áp dụng quy trình giải ngân vốn vay theo chuỗi giá trị, ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nằm trong cụm liên kết chuỗi giá trị nhằm đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện thành công kết nối giữa Ngân hàng và khách hàng.Agribank đã tập trung xây dựng hành lang pháp lý nội bộ cho những quy định mới phản ánh sống động thực tiễn theo xu hướng mới đó là trí tuệ nhân tạo trong công tác chăm sóc hỗ trợ khách hàng, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tín dụng xanh…

Thực tiễn đã chỉ rõ, việc xây dựng một hệ thống các văn bản chỉ đạo điều hành nếu đáp ứng được cả 2 tiêu chí: hệ thống pháp luật và yếu tố con người thực thi pháp luật sẽ tạo thành thể thống nhất bảo đảm thực thi pháp luật được nghiêm minh.

Nắm vững pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật là 2 vấn đề tưởng chừng như luôn đồng nhất mà thực tế lại chứng minh không phải là tuyệt đối. Nếu việc tuyên truyền phổ biến và giáo dục tư tưởng cho cán bộ của Agribank không sâu sát, không coi trọng thì dễ dẫn đến tình trạng lách luật và làm sai quy định, quy chế. Việc quán triệt nghiên cứu, vận dụng pháp luật vào thực tiễn hoạt động kinh doanh phải được bắt đầu từ tổ chức Đảng, từ người đứng đầu đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong việc ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện. Chưa lúc nào đòi hỏi việc giáo dục tư tưởng và ý thức tuân thủ pháp luật lại cần kíp và yêu cầu cao như hiện nay trong hệ thống ngân hàng, làm sao để trau dồi, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không bị thao túng bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Tinh thần “ thượng tôn pháp luật” phải làm sao dần xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp quy định của pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của cán bộ Agribank và khách hàng.

Tại Agribank trong việc kiện toàn bộ máy nhân sự các cấp gắn với đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ lãnh đạo tinh thông nghiệp vụ, trung thực trong thực thi nhiệm vụ, xóa bỏ tình trạng “đội ngũ lãnh đạo thừa thực tiễn và thiếu lý luận”. Trong việc tổng kết nhiệm vụ hàng năm và công tác kiểm điểm, cán bộ đảng viên Agribank đều tuân thủ quy trình, thủ tục về công khai, minh bạch và kê khai tài sản…

Thực tiễn đã chứng minh, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhưng nếu đội ngũ thực thi pháp luật không nghiêm minh thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong thực thi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và cá nhân tại Agribank đã lan tỏa mạnh mẽ tới khách hàng mỗi cán bộ đảng viên của Agribank là một chiến sỹ trên mặt trận kinh doanh với vũ khí sắc bén là tư tưởng và hệ thống pháp luật soi chiếu.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến yêu cầu “đột phá chiến lược” gồm nhiều nội dung trong đó có “ …tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật” . Lịch sử hình thành và phát triển của Agribank đã ghi nhận những “khoảng lặng”, bài học đắt giá về công tác cán bộ không tuân thủ quy trình nghiệp vụ, các đảng viên không tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. “Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy cán bộ đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị; bố trí, sắp xếp lại, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có cơ chế khuyến khích cũng như chế tài xử lý thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ”. Trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo Agribank luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, đó là: tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành. Để cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban điều hành đã xây dựng các văn bản chỉ đạo về kiểm tra giám sát, kiểm tra hoạt động gắn với xử lý các sai phạm… Đây là những căn cứ pháp lý vững chắc cho việc xử lý các hành vi sai phạm thực hiện phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Cụ thể hơn đó là hàng loạt các văn bản chỉ đạo điều hành giám sát và giám sát nâng cao đối với các đơn vị có dấu hiệu suy giảm trong kinh doanh, từ việc thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện tại từng đơn vị có sự chỉ đạo trực tiếp của các thành viên Ban điều hành. Giám sát tại Agribank không chỉ đạt mục đích phát hiện ra sai phạm để đưa ra kiến nghị mà còn đòi hỏi những sai phạm đó phải được xử lý nghiêm minh, những vấn đề có khuyết điểm thì phải được kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm, không chung chung.

Tăng cường và luôn luôn duy trì công tác kiểm tra, giám sát hoạt động như một nhiệm vụ hàng ngày, hàng giờ tại Agribank thể hiện trong từng cuộc họp chỉ đạo của Ban điều hành, như một phần không thể thiếu trong bất kỳ nhiệm vụ nào. Kiểm tra giám sát là đưa hoạt động vào trong khuôn khổ pháp luật, không chỉ như vậy mà còn là soi chiếu vào việc các đảng viên “né tránh, đùn đẩy trách nhiệm” trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt xử lý nghiêm người đứng đầu không dám chịu trách nhiệm, buông lỏng quản lý - đây là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu những người đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước bao che nhau. Pháp luật và hoạt động ngân hàng luôn song hành không tách rời nhau, hoạt động ngân hàng được bao phủ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gấp nhiều lần so với các lĩnh vực khác bởi đó là trách nhiệm về dân sự, hành chính, hình sự. Khuôn khổ pháp luật trong ngân hàng không chỉ nằm ở những công tác chuyên môn tuân thủ mà còn thể hiện ngay trong hoạt động quản trị điều hành, ở Ban lãnh đạo.

Tại Agribank, pháp luật tồn tại ở các quy định cụ thể, các thiết chế bên trong và các thiết chế bên ngoài bảo đảm thực thi trách nhiệm người quản lý, người điều hành nhằm bảo vệ tốt nhất tài sản của Nhà nước, quyền lợi của ngân hàng và khách hàng. Thiết chế bên trong đó là hoạt động của các cơ quan kiểm tra giám sát, của Ban kiểm soát Hội đồng thành viên. Thiết chế bên ngoài bảo đảm thực thi trách nhiệm của người đứng đầu bao gồm hoạt động của kiểm toán độc lập, của hoạt động quản lý giám sát của Ngân hàng Nhà nước, của các cơ quan tư pháp.

Hội nghị tổng kết chuyên đề Kiểm tra, giám sát nội bộ pháp chế và phòng chống rửa tiền năm 2023 mang theo tinh thần của Ban lãnh đạo Agribank đã nhấn mạnh những điểm lưu ý trong công tác kiểm soát tuân thủ, đó là nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu, nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra phát hiện và xử lý triệt để sai phạm, quyết liệt thực hiện công tác, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác giải trình; nhiệm vụ kiểm tra phải thống nhất xuyên suốt từ Trụ sở chính tới chi nhánh, đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra.

Công tác Kiểm tra giám sát hàng năm của Agribank thể hiện bằng những con số cụ thể: Trong năm 2023 đã có 710 cuộc kiểm tra toàn diện và kiểm tra chuyên đề, đột xuất, giám sát sau thanh tra, chấp hành quy định an toàn công nghệ thông tin, đã có 70 Đảng viên bị xử phạt kỷ luật. Trong năm 2024, tính đến ngày 31/10, đã có 10/17 đoàn kiểm tra tại 134 tổ chức Đảng và 369 Đảng viên và có 161 Đảng viên bị kỷ luật.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, người đứng đầu trong toàn Đảng bộ và hệ thống Agribank, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo điều hành luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên và được tiếp tục được củng cố, duy trì trong thời gian tiếp theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả lãnh đạo đây là công tác quan trọng có ý nghĩa quyết định, không chỉ là yêu cầu, nguyên tắc mà còn là quyết tâm chính trị của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Agribank.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị qua từng năm, vẫn còn những bất cập và tồn tại được nhận diện từ thực tiễn hoạt động, đó là: Việc tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chưa thực sự sâu rộng. Sự chuyển mình của thực tiễn xã hội nhanh mạnh, những tác động tiêu cực từ bên ngoài đã phần nào làm giảm hiệu quả của công tác giám sát và tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn chưa thực sự hiệu quả. Hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của một số trường hợp chưa song hành và tuyệt đối, đổ lỗi cho lỗ hổng cơ chế chính sách để thực hiện vi phạm pháp luật.

Bất cập và tồn tại trên cũng là những thách thức trong viêc duy trì một trật tự kinh doanh ổn định an toàn, nói không với vi phạm. Tuy nhiên, thách thức là động lực, tuân thủ là nguyên tắc sống còn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng.

Một ngân hàng phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó phải trở thành nền tảng trong hoạt động điều hành của Agribank, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.