Ngay khi nước bắt đầu rút, các đội thanh niên tình nguyện xung kích tại chỗ đã nhanh chóng hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh đường sá, nhà cửa, phòng chống dịch bệnh; khắc phục hư hỏng trang thiết bị, máy móc phục vụ tại cơ quan, đơn vị; tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân những vùng đi lại khó khăn. Cùng với đó, để góp phần giúp người dân vơi bớt khó khăn sau bão lũ, Đoàn thanh niên tại các tỉnh phía Bắc đã chủ động kết nối với các cơ sở Đoàn bạn nhằm hỗ trợ người dân các địa phương khắc phục hậu quả sau lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống như hỗ trợ các nhu yếu phẩm, lương thực, quần áo, nước uống, thuốc chữa bệnh, suất ăn chế biến sẵn, tặng áo phao,..
"Khi nước rút hết là lúc cần trợ giúp nhất để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, từ nhân lực để sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất đến vật lực (tiền mặt, dụng cụ sinh hoạt gia đình, dụng cụ sản xuất, cây giống, con giống). Chung tay cùng chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên Agribank chi nhánh Bắc Yên Bái đã thành lập các đội xung kích tình nguyện tại cơ sở, triển khai các chương trình hành động cụ thể, khắc phục hậu quả sớm nhất, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế" Bạn Hoàng Thị Hồng Nhung – Bí thư Đoàn cơ sở chi nhánh Bắc Yên Bái chia sẻ.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, khối lượng dọn dẹp cây xanh sau bão là rất lớn và phức tạp. Theo đó, ngay sau khi cơn bão đi qua, Đoàn Thanh niên Agribank tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình đã nhanh chóng triển khai thành lập các đội hình ứng phó khẩn cấp hỗ trợ huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, dọn dẹp những tuyến đường, hỗ trợ cưa các cây bị đổ, vận chuyển sang các lề phố để khai thông tuyến đường, dọn dẹp nhà cửa các hộ dân bị hư hại, ngập lụt bởi cơn bão, hỗ trợ nông dân dựng lại ruộng lúa bị gió dập, tháo úng tại ruộng, hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, lúa mùa,...
Những việc làm cụ thể, thiết thực của đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã góp phần giúp nhân dân trên địa bàn kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng trong khó khăn, hoạn nạn, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Lan tỏa ý nghĩa “Ngày Chủ nhật xanh”
Xác định bảo vệ môi trường là phong trào trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, Đoàn thanh niên Agribank đã nỗ lực nâng cao trách nhiệm của ĐVTN trong công tác này. Các cấp bộ đoàn đã tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh thiếu nhi nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh được duy trì thường xuyên, tổ chức ra quân đồng loạt trên toàn tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Cùng với đó, nhiều công trình, phần việc thanh niên chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: lau chùi, quét dọn quầy giao dịch, ATM, khuôn viên Hội sở, thực hiện các công trình "Sắc hoa thanh niên", "Đường cây thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp", "Thay áo mới cho bức tường cũ", "Biến điểm rác thải thành vườn hoa",… thường xuyên được "thanh niên màu áo xanh" tình nguyện triển khai hiệu quả, thiết thực.
Vừa mới đây, ngày 28/9/2024, đoàn viên thanh niên Agribank Bình Thuận đã trao tặng 1000 cây giống cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuy Phong - tỉnh Bình Thuận, đồng thời tổ chức tham gia trồng các cây giống tại khu vực đồi cát tại xã Hòa Minh - Tuy Phong - Bình Thuận nhằm góp phần bảo vệ mội trường, chắn gió sống biển, chống xói mòn đồi cát ảnh hưởng đến môi trường biển.
Nhằm tạo chương trình thực tiễn để Đoàn viên thanh niên Chi đoàn phát huy tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện trong việc tham gia đóng góp vào công tác tình nguyện, phục vụ khách hàng, đồng thời gắn hoạt động Đoàn bám sát nhiệm vụ, công tác chuyên môn của Đơn vị, Chi Đoàn Agribank Chi nhánh Bình Thạnh đã thực hiện Công trình Công trình “Vì tương lai xanh – Vì sức khỏe Quý Khách hàng”, thực hiện thay thế toàn bộ ly nhựa phục vụ khách hàng (uống nước) bằng ly giấy, từ đó lan tỏa thông điệp, truyền cảm hứng "nói không với ống hút nhựa" tới cộng đồng.
Tại Hòa Bình, chi đoàn Agribank chi nhánh huyện Lạc Thủy triển khai mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa" tặng túi vải và làn đi chợ cho người dân đi chợ và các tiểu thương trong chợ. Đoàn viên, thanh niên đã tuyên truyền về tác hại của túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế như: dùng túi giấy, túi vải, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy; sử dụng giỏ đi chợ, các hộp đựng cá, thịt thay cho túi nilon dùng 1 lần; hạn chế lạm dụng túi nilon khi không cần thiết; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường xanh. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo của người dân đi chợ, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, từ đó có các hành động thiết thực giảm thiểu rác thải nhựa trong buôn bán và sinh hoạt hàng ngày.